Đầu tư vào…”nỗi sợ hãi” của thị trường bất động sản

Ngày đăng: 10/28/2020 5:56:05 PM - Mua bán nhà đất - Hà Nội - 27
Chi tiết [Mã tin: 3106642] - Cập nhật: 31 phút trước

Dù thị trường bất động sản biến động ra sao, các nhà đầu tư khôn ngoan đều tìm ra hướng đi có lợi. “Nỗi sợ hãi” của thị trường lại chính là nơi được lựa chọn để rót vốn, khoản đầu tư đầy hứa hẹn.


đầu tư vào nỗi sợ hãi của thị trường bất động sản


Sau 10 năm đến Việt Nam đầu tư, ông Dennis Ng, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam nhận thấy, thị trường bất động sản Việt Nam cực kỳ hấp dẫn đối với người nước ngoài. Làn sóng doanh nghiệp từ Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông… chọn Việt Nam là điểm đến cho thấy rõ điều đó.

Theo ông Dennis Ng, các doanh nghiệp nước ngoài đang nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế tăng trưởng liên tục. Trong khi chính trị ổn định và cải cách hành chính thường được đánh giá cao, thì sự ổn định xã hội ở đây cũng mang lại cho các nhà đầu tư sự thoải mái, vì Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá là an toàn trong khu vực, ngay cả trong dịch bệnh Covid-19.

“Điều tốt nhất mà các nhà đầu tư có thể nhìn thấy ở Việt Nam là một khoản đầu tư đầy hứa hẹn. Họ không chỉ đến đây để ở, mà còn tìm kiếm lợi nhuận từ tài sản lâu dài. Giá bất động sản đang tăng đều đặn. Tôi tin, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều dư địa để khai phá”, ông Dennis Ng khẳng định.


đầu tư


Nhận định nói trên là có cơ sở. Nếu như trước đây, chung cư ở TP.HCM có giá 1.500 – 2.000 USD/m2 được xem đắt đỏ, thì hiện nay, một căn hộ cao cấp tăng lên khoảng 3.000 USD/m2, thậm chí, có những căn hộ có giá lên tới 7.000 USD/m2. Xu hướng này sẽ tiếp tục và diễn ra tương tự ở thị trường Hà Nội.

Đề cập xu hướng biến động hiện nay, ông Rasheed Hassan, Trưởng bộ phận Đầu tư xuyên quốc gia của Savills cho rằng, thị trường bất động sản đã toàn cầu hóa. Điều này đặt ra thách thức ngày một lớn cho các nhà đầu tư địa phương. Họ sẽ buộc phải làm quen với các thước đo giá trị chuẩn quốc tế, tìm ra nhiều giải pháp để thích ứng.

Gần đây, giới đầu tư đổ dồn sự quan tâm về một số tên tuổi trong nước khi họ liên tục bắt tay các “ông lớn” nước ngoài để chuyển mình mạnh mẽ hơn.

Rót tiền đầu tư vào đâu?

Giới tư vấn bất động sản cho rằng, hiện là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song đối với một bộ phận cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ khai thác chủ yếu 2 nhóm khách hàng: nhóm trung – thượng lưu trong nước và nhóm người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam.



Thống kê của Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam chỉ ra, tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 người sở hữu 1 triệu USD, trong số đó, hơn một nửa liên quan đến bất động sản. Có thể nói, rất nhiều người giàu lên từ bất động sản. Vì vậy, nhiều người đang đặt câu hỏi: liệu bây giờ có nên đầu tư vào lĩnh vực này không?

“Hãy đầu tư vào nỗi sợ hãi của thị trường. Thị trường sợ hãi nhất điều gì, thì chúng ta đầu tư vào đấy”, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, trong 12 – tháng tới, thị trường sẽ tương đối khó khăn, nên cần cẩn trọng nếu lướt sóng đầu tư.

Trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, bất động sản không còn dành cho đầu tư ngắn hạn, mà là “cuộc chơi” trung và dài hạn. Ông Quang cho rằng, nếu xác định mục tiêu đầu tư trong trung và dài hạn, thì tác động của Covid-19 sẽ không còn là mối lo. Khi dịch được kiểm soát, bất động sản sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên được khôi phục, bên cạnh đó là du lịch và du lịch nghỉ dưỡng vẫn còn cửa sáng.


rót tiền đầu tư bất động sản


Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, đầu tư bất động sản chỉ dành người có đủ tiềm lực tài chính. Địa phương nào có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh thì sẽ là khu vực tiềm năng để đầu tư, bởi những nơi đó sẽ được đầu tư phát triển hạ tầng rất tốt.

Trên thực tế, các ngân hàng đang cân đối lại các khoản cho vay bất động sản nghỉ dưỡng, mặt bằng bán lẻ, biệt thự liền kề, nhưng lại tung rất nhiều gói cho vay nhà ở, bất động sản công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thực của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, nhu cầu trong phân khúc bất động sản công nghiệp đang rất lớn, với lực đẩy từ hiệu suất của các khu công nghiệp.

Theo các chuyên gia, bất động sản lan tỏa đến 35 ngành nghề, như xây dựng, du lịch, lưu trú, tài chính ngân hàng (65% tài sản thế chấp là bất động sản)…, vì vậy, thị trường bất động sản sẽ có những cơ hội lớn nhất để bật dậy nhanh nhất sau đại dịch. Hơn nữa, chủ trương thúc đẩy đầu tư công sẽ tác động tích cực tới các ngành nghề khác như lĩnh vực xây dựng, qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản.



Trong khi đó, hành vi mua nhà, đi du lịch của khách hàng cũng đang thay đổi rất gấp, sẽ tạo ra nhiều điểm sáng cho bất động sản. Minh chứng là, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang tìm cách gia tăng huy động vốn. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, trong nửa đầu năm 2020, tổng lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp tăng trưởng thêm 61,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 171.500 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này cho thấy, các chủ đầu tư đang gấp rút lên kế hoạch triển khai dự án, trong khi người mua tích cực tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với giá hợp lý. Đây sẽ là động lực để thị trường bất động sản sôi động hơn trong thời gian tới.


Xem thêm: Thị trường bất động sản: Làm cách nào để kiểm soát đầu cơ, thổi giá


Tin liên quan cùng chuyên mục Mua bán nhà đất